1. Khái Niệm Phủ Định Và Phủ Định Biện Chứng
Trong thế giới hiện tượng, vật chất các sự vật luôn luôn biến chuyển thay đổi, sinh ra, tồn tại và mất đi. Sự vật cũ mất đi được thay bằng những sự vật, hiện tượng mới, sự thay thế đó được gọi là sự phủ định. Sự phủ định sự vật này là một quy trình tất yếu trong quá trình vận động và phát triển sự vật mà không phải phủ định là xoá bỏ hoàn toàn cái cũ như các nhà siêu hình học nhìn nhận.
Theo triết Marx, phủ định phải là phủ định biện chứng, tức là sự phủ định tạo tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, từ cái cũ thành cái mới, hoàn thiện, phức tạp và cao cấp hơn cái cũ. Tuy nhiên, phủ định biện chứng là sự phủ định tự thân, từ sự phát triển tự thân nên phủ định biện chứng mang những đặc trưng cơ bản sau:
a. Tính Khách Quan: các sự vật luôn luôn nằm trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển do sự đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn bên trong của các sự vật. Từ đấu tranh các mâu thuẫn mà sự vật luôn phát triển không ngừng, do vậy, phủ định biện chứng luôn mang tính khách quan trong quá trình vận động và phát triển.
b. Tính Kế Thừa. Phủ định là phát triển tự thân của sự vật nên nó không phải thủ tiêu cái cũ mà là gạt bỏ những cái xấu, không tốt, lạc hậu để tiếp thu, chọn lọc những cái hay, cái đẹp khi hình thành cái mới. Do vậy, cái mới đó được hình thành từ cơ sở chọn lọc của cái cũ. Cái mới là mới từ cái cũ và cái cũ là cũ của cái mới. Giữa cái cũ và cái mới có mối liên hệ và khắng khít với nhau. Đó chính là tính kế thừa của phép phủ định biện chứng.
Trong quá trình phủ định biện chứng, phủ định đồng thời cũng là khẳng định, phủ định mặt xấu, tiêu cực còn khẳng định những mặt tích cực, tốt đẹp. Do vậy, cái mới có mặt là một phần tất yếu, xuất phát từ cái cũ nhưng khác chất cái cũ. Và tất nhiên, quy trình phủ định biện chứng cần phải đảm bảo được ba điều kiện sau:1) Tính thời đại. 2) Tính dân tộc. 3) Tính mỹ thuật.
2. Nội Dung Quy Luật Phủ Định Cái Phủ Định
Trong quá trình vận động và phát triển, sự vật mới được ra đời trên cơ sở khẳng định và phủ định sự vật cũ. Khi hai mặt mâu thuẫn đấu tranh với nhau mà vượt qua giới hạn độ thì sự vật mới ra đời, phủ định biện chứng có mặt. Thế nhưng sự vật không dừng lại ở đó mà nó lại tiếp tục đấu tranh giữa các mặt mâu thuẫn mới và một lần nữa cái mới đó bị cái mới hơn phủ định. Quá trình phủ định hai lần đó được gọi là Phủ định của phủ định và từ đây “sự vật mới hoàn thành một chu kỳ phát triển”.[1]
Quá trình phủ định cái phủ định của sự vật đó làm xuất hiện những sự vật mới là kết quả tổng hợp tất cả các yếu tố tích cực mới được bổ sung và từ những lần khẳng định và phủ định trước đó. Quy luật phát triển liên tục, điểm kết thúc của chu kỳ này lại là điểm bắt đầu của một chu kỳ mới. Do vậy, kết quả phủ định cái phủ định luôn luôn bao giờ cũng có hình thức mới hơn, có nội dung toàn diện và phong phú hơn những cái ban đầu.
Tuy nhiên, sự tiến lên của sự vật không theo con đường thẳng tắp mà được diễn ra theo hình “xoắn ốc”. Bởi “sự phát triển theo đường “xoắn ốc” là biểu thị sự rõ ràng, đầy đủ các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng của sự vật: tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên”.[2]
Khi nghiên cứu về Quy luật phủ định của phủ định chúng ta không nên máy móc trong nhận thức. Nghĩa là chúng ta không nên khăng khăng cho rằng sự vật, hiện tượng phải đủ hai lần phủ định mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Thực ra, có nhiều sự phát triển còn cần nhiều hơn cả con số hai lần phủ định như thế, hai lần là con số tối thiểu, chẳng hạn quá trình biến đổi trứng thành con tằm. Do vậy, trong vấn đề nhận thức quy luật này, chúng ta cần phải linh hoạt, không được máy móc. Không nên lấy cái cố định để ràng buộc cái bất định, nếu làm như thế là đi sai với quy luật và đó là một sai lầm.
3. Ý Nghĩa Phương Pháp Luận
Từ việc nghiên cứu quy luật phủ định của phủ định trên, chúng ta rút ra được một số ý nghĩa phương pháp luận sau:
- Quy luật phủ định của phủ định giúp chúng ta nhận thức được tính đúng đắn và tất yếu của sự vật bởi phát triển là khuynh hướng chung, do đó cái mới bao giờ cũng chiến thắng. Song, quá trình phát triển không diễn ra theo đường đường thẳng mà con đường xoắn ốc: quanh co, phức tạp với nhiều chu kỳ và giai đoạn trung gian.
- Sự vật ra đời sau luôn là cái mới, cái tiến bộ hơn cái trước thế nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, có nhiều lúc, cái mới lại là cái thụt lùi so với cái cũ, thế nhưng sự thụt lùi đó là những bước thụt lùi trong quá trình phát triển chung của nó.
- Nhận thức được quy luật này chúng ta sẽ biết cách tác động phù hợp sao cho sự vật phát triển nhanh hay chậm, tránh được những nhận thức sai lầm, chủ quan duy ý chí và bảo thủ trong công việc và trong các hiện tượng xã hội. Đồng thời cần phải chống thái độ phủ định sạch trơn hoàn toàn không có gì, coi thường giá trị truyền thống mà cần phải biết phát hiện ra cái mới, tạo điều kiện cho cái mới phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét